Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Độc lập tự do là hạnh phúc.

Người phụ nữ Triều Tiên khao khát trở về quê hương

Hàng chục nghìn người đã rời khỏi Triều Tiên kể từ nạn đói cuối những năm 1990 nhưng chỉ có vài người muốn quay về quê hương, và Kim Ryon Hui là một trong số đó. 
Kim Ryon Hui đang mắc kẹt ở Hàn Quốc mà không biết bao giờ mới được trở lại quê hương.
Kim Ryon Hui đang mắc kẹt ở Hàn Quốc mà không biết bao giờ mới được trở lại quê hương. Ảnh: CNN
Kim Ryon Hui từng là thợ may ở Bình Nhưỡng nhưng hiện bị kẹt ở Hàn Quốc mà không biết bao giờ mới được trở lại quê hương.
Trước khi rời Triều Tiên vào năm 2011, Kim có một cuộc sống tương đối khá giả so với mặt bằng chung ở Triều Tiên. Chồng cô là một bác sĩ và gia đình cô gần đây còn được nhà nước cấp cho một căn hộ lớn.
4 năm trước, Kim tới Trung Quốc thăm người thân và điều trị bệnh gan. Cô từng nằm viện 6 tháng tại Triều Tiên và nghe mọi người nói rằng các bác sĩ Trung Quốc chữa bệnh tốt hơn. Cô nghĩ rằng bệnh nhân cũng sẽ được miễn viện phí giống như tại Triều Tiên, nơi nhà nước bao cấp hầu như mọi thứ từ nhà ở, dịch vụ y tế đến việc học lên.
Nhưng khi tới Trung Quốc, Kim mới biết rằng mình không đủ chi phí chữa bệnh.
"Phải điều trị trong hoàn cảnh đó là một gánh nặng đối với tôi. Tôi không thể hỏi vay tiền của họ hàng", cô nói.
Sau đó, Kim đi làm cho một nhà hàng ở thành phố Thẩm Dương nhưng đồng lương ít ỏi không đủ để cô trả tiền chữa bệnh. Các bác sĩ Trung Quốc đều muốn được trả tiền trước.
"Một người môi giới nói với tôi rằng nhiều người Trung Quốc đã tới Hàn Quốc và kiếm được rất nhiều tiền. Hàng xóm của anh ta cũng đã sang Hàn Quốc hai tháng", cô kể. "Tôi nghĩ mình phải hồi phục hoàn toàn trước khi quay về với cha mẹ. Tôi muốn về nhà trong tình trạng khỏe mạnh nên tôi đã đồng ý sang Hàn Quốc trong hai tháng để kiếm tiền chữa bệnh".
Vượt biên tới Hàn Quốc
Giờ đây đối với Kim, đó là một quyết định vô cùng dại dột.
Cô được đưa đi cùng một nhóm người đào tẩu sang Hàn Quốc, nhưng trước khi đến nơi, cô đã suy nghĩ lại. Kim cho hay cô không nhận ra rằng một khi đã ký vào giấy tờ từ bỏ quốc tịch Triều Tiên, cô sẽ không bao giờ có thể trở lại quê nhà.
"Tôi nói với họ rằng tôi không biết điều đó và muốn bỏ trốn. Nhưng kẻ môi giới đã lấy hộ chiếu của tôi và không trả lại nó", Kim kể. "Những người khác cùng chuyến đi nói rằng nếu tôi bỏ trốn và bị bắt, họ cũng sẽ bị liên lụy. Vì không có hộ chiếu, tôi buộc phải đi theo họ và cuối cùng tới Hàn Quốc".
Ngay khi tới Hàn Quốc, Kim bắt đầu yêu cầu được đưa về lại Triều Tiên. Nhưng ở Hàn Quốc, điều đó không hề đơn giản. Hàn Quốc có những quy ước về tiếp nhận người Triều Tiên nhưng sẽ là trái phép nếu họ muốn trở về.
Không lối về
Cô Kim lắng nghe những gửi gắm của chồng và con qua video. Ảnh: CNN
Cô Kim lắng nghe những gửi gắm của chồng và con ở quê nhà qua video. Ảnh:CNN
Để được thả khỏi một trung tâm nhập cảnh của Hàn Quốc, Kim phải ký giấy cam kết tuân theo luật pháp và trở thành công dân nước này.
Cô sau đó cố gắng tìm lại kẻ buôn người, gọi điện nhiều lần tới sứ quán Triều Tiên ở Thẩm Dương, và thậm chí sử dụng một biện pháp mà giờ cô cho là ngu ngốc. Cô đã giả vờ là gián điệp của Triều Tiên để bị trục xuất. Nhưng Hàn Quốc đã không trục xuất gián điệp mà thay vào đó bắt giam họ.
Vì vậy sau khi đầu thú với cảnh sát, Kim bị kết án hai năm tù tội dùng hộ chiếu giả và hoạt động gián điệp. Án tù đã bị đình chỉ vào tháng 4 vừa qua, hiện giờ cô được tạm tha nhưng bị giám sát chặt chẽ. Lý lịch tội phạm khiến việc ra khỏi Hàn Quốc một cách hợp pháp càng trở nên bất khả thi với Kim.
"Tôi đã lựa chọn sai lầm, mong muốn kiếm tiền để chữa bệnh đã đẩy tôi vào tình cảnh tồi tệ nhất trong đời. Tôi cảm thấy rất hối hận và xin lỗi vì đã khiến cho cha mẹ, chồng và con gái tôi phải đau khổ", cô nói.
Kim giờ đây kẹt lại ở Hàn Quốc với công việc điều khiển máy móc trong một nhà máy tái chế mà không có lựa chọn nào khác.
"Tôi sống ở Daegu và vẫn tiếp tục điều trị thường xuyên ở bệnh viện", cô cho biết.
Dù sức khỏe đã tiến triển tốt, đối với cô, nỗi đau tinh thần là không thể chịu đựng. Cánh tay của cô đầy những vết sẹo do tự tử bất thành.
Thông điệp vượt biên giới
Tại Bình Nhưỡng, Ri Gyon Gum, con gái của Kim, nay đã 21 tuổi. Ri đã không gặp lại mẹ từ năm 17 tuổi.
"Vì sao? Tại sao mẹ tôi không thể về?", Ri vừa khóc vừa hỏi. "Vì sao chúng tôi phải chịu đựng những điều này? Vì sao họ lại giữ bà ấy lại, dù bà ấy muốn trở về, sao không cho bà ấy đi? Mẹ tôi có gia đình, chồng và con gái ở đây, một người con rất nhớ mẹ mình, một người chồng rất nhớ vợ. Họ không có trái tim hay sao?".
Chồng của Kim, ông Ri Gum Ryong, vừa khóc vừa ghi hình một thông điệp cho vợ mình.
"Gửi tới vợ tôi ở Hàn Quốc, đừng quên rằng ở đây em có bố mẹ, chồng và con gái. Hãy chiến đấu đến cùng", ông nói. "Vợ tôi cũng như gia đình tôi đang chiến đấu. Chúng tôi sẽ luôn bên nhau để cô ấy có thể trở về. Không bao giờ ngừng chiến đấu".
Ở Hàn Quốc, Kim ôm mặt bật khóc khi xem đoạn video của chồng và con. Đó là lần đầu tiên cô được nhìn thấy gia đình trong 4 năm qua.
"Sao lại ra nông nỗi này? Tôi phải làm gì bây giờ?", cô khóc.
kim3-7906-1443339763.jpg
Chồng con của cô Kim khóc khi xem video mà cô quay tại Hàn Quốc. Ảnh: CNN
Kim cũng ghi hình một lời xin lỗi đẫm nước mắt gửi tới gia đình, nói với họ rằng các bác sỹ đang chăm sóc cô rất tốt, cô sẽ không bao giờ quên họ cũng như đất nước Triều Tiên, và hứa sẽ làm mọi thứ có thể để trở về nhà.
"Em sẽ trở về. Một lúc nào đó em sẽ về. Hãy chờ tới khi em trở về", cô nói.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, luật pháp không cho phép họ giúp gia đình của Kim đoàn tụ. Họ giống như hàng nghìn gia đình đang bị chia cắt do quan hệ thù địch giữa liên Triều hàng thập kỷ qua.
Khi được xem đoạn video về lời xin lỗi của mẹ, con gái của Kim cũng rơi lệ giống như mẹ cô. Người mẹ trong khung hình và con gái đang theo dõi đều khóc nức nở. Họ không nói gì. Chỉ có những trái tim tan vỡ.
Tuấn Vũ (Theo CNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét